• info@kyquansan.com
  • 0915553697

Quần thể chùa núi Tà Cú – hành trình tâm linh

Quần thể chùa núi Tà Cú – hành trình tâm linh

  Núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam) cao khoảng 650m so với mực nước biển, không khí trong lành khoáng đạt. Nơi đây vừa có khung cảnh hùng vĩ nên thơ, vừa là nơi chùa phật linh thiêng, và còn là địa điểm leo núi hấp dẫn của tỉnh Bình Thuận. Năm 1993, khu vực này đã xếp hạng là thắng cảnh cấp quốc gia.

nui-ta-cu-8

  Bao quanh Núi Tà Cú tỉnh Bình Thuận là khu bảo tồn thiên nhiên với hệ động-thực vật phong phú, đa dạng, gồm hơn chục loài quý hiếm có tên trong sách đỏ thế giới như: thằn lằn đá, thằn lằn chân ngón, gà gô, diều núi, voọc bạc Trường Sơn, chà vá chân đen… cùng các loài cây quý và trên 150 loại cây thuốc.

nui-ta-cu-3

  Dù một phần chân núi được bao bọc bởi những vườn cây thanh long và khu dân cư, nhưng núi Tà Cú vẫn giữ được đặc điểm sinh thái tự nhiên của rừng nhiệt đới, phù hợp cho du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng. Cứ mỗi độ xuân về, hoa mai vàng, hoa vông đỏ nở thơm nức cả cánh rừng, những dòng suối tuôn nước trong ngần, mát lạnh.

Quần thể Chùa núi Tà Cú

  Trong lịch sử, quần thể chùa núi Tà Cú được hình thành dựa theo thế núi nên có chùa Trên, chùa Dưới đều quay mặt về hướng đông nam. Đặc trưng kiến trúc chùa theo phái Bắc Tông, dù qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét riêng cổ kính với mái cong lợp ngói, lưỡng long chầu nguyệt đã nhuốm màu rêu phong.

nui-ta-cu-7

  Nơi đây, ba pho tượng Phật Di Đà (7m), Quan Thế Âm và Đại Thế Chí (6.5m) hiện là một trong 7 cấp của cảnh tịnh độ đạo tràng theo Quán kinh và Kinh Di Đà do sư trụ trì Thích Vĩnh Thọ phác thảo từ năm 1960. Màu vôi trắng của các pho tượng nổi lên giữa màu xanh cây rừng, khiến quan cảnh toát vẻ siêu nhiên.

Chùa Linh Sơn Trường Thọ

  Núi Tà Cú ở Bình Thuận còn là địa danh gắn liền với di tích lịch sử văn hóa Chùa Linh Sơn Trường Thọ mang đậm sắc cổ, uy nghiêm giữa khung cảnh rừng núi chập chùng, lẫn khuất bóng mây. Du khách sẽ ngỡ ngàng khi đứng trước tượng Phật trầm tư và dấu thiêng của Tổ sư từ buổi khai sơn cách đây trên 130 năm.

nui-ta-cu-9

  Chùa Linh Sơn Trường Thọ nằm lưng chừng núi Tà Cú ở độ cao 420m, hài hòa với bức tranh thiên nhiên được kết bằng những tảng đá, khe suối, cây rừng trầm lặng trước pho tượng phật nằm uy nghi. Đứng dưới bóng đại thụ ngàn năm nhìn về hướng đông có thể thấy cả đảo nhỏ Hòn Bà ở La Gi giữa biển mênh mông.

nui-ta-cu-2

  Tổng thể Chùa Linh Sơn núi Tà Cú không thể tách rời những kiến trúc tượng Phật, tháp mộ, miếu thờ, ao thất bảo được xây dựng sau này. Công trình mang tính đồ sộ và độc đáo nhất là pho tượng phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn, dài 49m cao 11m với tư thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, gối đầu lên tay.

Chùa Tổ núi Tà Cú

  Chùa Tổ xây dựng từ khoảng năm 1870 – 1880 do sư tổ Hữu Đức và các chư hậu tổ tiếp tục trùng tu. Quy mô cấu trúc chùa Tổ có ba gian: Giữa là chánh điện thờ Phật, bên tả là nhà giám tự, bên hữu là nơi thờ tổ Hữu Đức. Có trên một trăm bậc đá tam cấp ngược dốc từ cổng tam quan lên chùa Tổ, mái chùa điểm xuyết lên bầu trời xanh lồng lộng, đặc trưng nghệ thuật kiến trúc Phật giáo mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.

nui-ta-cu

  Ở triền núi Tà Cú, hướng đông của chùa Tổ là chùa Long Đoàn được sư Tâm Tố hiệu Viên Minh tạo dựng sau khi tổ Hữu Đức viên tịch. Lối kiến trúc pha với phong cách hiện đại những nóc chùa hình tháp, mái ngói âm dương được hài hòa thanh thoát. Ngôi chánh điện với những bức tường xây bằng đá chẻ trong rất bề thế giữa khu đất rộng có nhiều cây ăn trái lưu niên, tạo nên một màu xanh sinh thái tự nhiên hài hòa với cảnh sắc núi rừng.

nui-ta-cu-6

  Trong khuôn viên Chùa Tổ núi Tà Cú còn có tháp mộ Tổ và các chư hậu Tổ. Chuyện kể rằng trước khi Tổ Hữu Đức sắp viên tịch có một đệ tử là sư cô Thái Thị Tràng nhờ chuyên tâm tu niệm, khắc kỹ tu thân đã tiên tri được nên chất củi tự thiêu và thoát hóa trước Tổ. Lại có chuyện, sau khi Tổ viên tịch, bạch hổ lâu năm theo hầu cũng về phủ phục bên mộ Tổ buồn rầu rồi chết bên tháp, lưu lại nấm mộ do chùa mai táng.

Cáp treo núi Tà Cú

nui-ta-cu-1

  Dự án cáp treo núi Tà Cú Bình Thuận được đưa vào sử dụng năm 2003 với hệ thống cáp treo hiện đại do Châu Âu sản xuất. Trạm ga cách đường đi bộ lên núi vài trăm mét, từ đó với tuyến cáp treo gồm 25-35 Cabin đóng-mở cửa tự động, mỗi Cabin chở được 06 người di chuyển trên đường cáp dài 1600m và cao 500m. Công suất tải khách lên xuống trong vòng 1 giờ có thể đến 1000 lượt khách, chỉ mất từ 7-10 phút để đến ga trên.

nui-ta-cu-5

  Khi ngồi Cabin cáp treo lên núi Tà Cú, du khách có thể ngắm toàn cảnh của gần nửa phía núi. Bên dưới là thị trấn Thuận Nam ôm trong lòng con đường quốc lộ 1A với xe cộ tấp nập và những vườn thanh long trái chín đỏ được trồng thành từng hàng thẳng tắp. Xa xa là ngọn hải đăng Kê Gà in lên nền biển xanh biếc. Cabin đưa khách nhẹ nhàng lướt trên những ngọn cây cổ thụ, có lúc xuyên qua những đám mây mờ còn ẩm lạnh hơi sương như giữa chốn bồng lai.

Leo núi Tà Cú

  Nếu chọn đường bộ lên núi Tà Cú thì phải leo hàng ngàn bậc đá quanh co, với quãng đường dài hơn 2500m, qua nhiều chặng dốc cao, luồn lách khắp đại ngàn mới đến chùa Long Đoàn và chùa Tổ. Chặng đầu có Đá Bàn Hạ rồi Đá Bàn Thượng – có người gọi là Đá Ông Địa, cạnh đó là dòng suối len dưới chân tảng đá lớn thờ Thổ thần.

  Theo kinh nghiệm leo núi Tà Cú, càng lên cao dốc càng dựng, nhất là đoạn Dốc Bằng Lăng – nơi có nhiều cây bằng lăng nở hoa tím ngắt một góc rừng, tiếp đến là Dốc Yên Ngựa với một khối đá lớn có mặt phẳng như bộ phản nằm nghiêng bên khe suối có tên gọi là Giếng Tiên, sẽ gợi cho du khách về một bàn cờ của các vị tiên chưa tàn cuộc đấu.

Hang Tổ núi Tà Cú

  Phía chân tượng phật nằm, ven bãi đá ngổn ngang mọc đầy những cây thuốc ngũ gia bì, chuối… là Hang Tổ, cửa vào rất hẹp chỉ đủ một người. Bên trong có tảng đá bằng phẳng là nơi Tổ thiền tịch nay trở thành chỗ thờ, vào buổi khai sơn Tổ đã coi nơi này là “Như lai tịch thất”. Vào sâu nữa bằng con đường đầy ngóc ngách, bóng tối âm u trong lòng đá như vô tận. Lối đi càng sâu càng thấy trút dần, gặp nhiều ngả, nhiều vực thăm thẳm và hơi lạnh từ đá xông lên.

nui-ta-cu-10

  Người đi thám hiểm vào Hang Tổ núi Tà Cú thường thắp nhang cắm dọc lối đã qua để định hướng quay về. Tiếng nước chảy róc rách từ khe đá vang vọng chân ngôn huyền bí khó mà diễn đạt bằng ngôn ngữ thế gian. Có người kể, ngày xưa quăng vào hang một trái bưởi hoặc quả dừa nếu đánh dấu thì những ngày sau sẽ gặp trôi trên biển Kê Gà… Những chuyện mang vẻ kỳ bí và linh diệu về Hang Tổ đến nay vẫn nằm trong tâm hưởng của người mộ đạo.

Các dịch vụ du lịch

– Khu du lịch núi Tà Cú Bình Thuận sở hữu hệ thống các nhà hàng: Hướng Dương (dưới núi), Thiên Thai (trên núi), mỗi nhà hàng có sức chứa từ 300 – 500 khách phục vụ ăn uống, tiệc chiêu đãi, buffet… Cùng hệ thống nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi, sẵn sàng phục vụ du khách nghỉ lại qua đêm.

– Ngoài ra, khu du lịch sinh thái núi Tà Cú còn có cafe Vườn Lim xanh mát, dịch vụ đi xe điện vãn cảnh và đạp thiên nga trên mặt hồ yên ả… Và thời gian gần đây, khu du lịch cũng tổ chức các tour du lịch thám hiểm như khám phá rừng nguyên sinh, chinh phục đỉnh Nọc Bù, ngắm chim hoang dã…

  Khu du lịch chùa núi Tà Cú là một điểm đến khá nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận. Vào các mùa trong năm lúc nào cũng có khách thập phương đến đây viếng Phật, ngoạn cảnh, khám phá thiên nhiên, nhất là vào dịp Xuân về Tết đến và ngày giỗ Tổ Hữu Đức mùng 5 tháng 10 âm lịch hàng năm.

Leave a Reply